Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

KỶ NIỆM VỚI THẦY NGUYỄN DIÊU

  
Thầy Nguyễn Diêu (1951-2007)
Ảnh chụp ngày tốt nghiệp ĐHSP Huế


      Đầu năm 1975. khi đó đang học lớp 9 tại Trung Học Tổng Hợp BMT. Thầy Nguyễn Diêu cùng một số thầy giáo trẻ khác được điều động về trường như thầy Hùng Anh dạy Pháp Văn, thầy Đặng Ngọc Thanh Hải dạy Anh văn, thầy Nguyễn Ngọc Huy dạy Sinh vật, Thầy Lý Quân Hiếu v,v... thầy Nguyễn Diêu vè lớp chúng tôi phụ trách môn Lịch sử, ngày ấy thầy còn trẻ, chỉ hơn chúng tôi dăm ba tuổi. Chưa dạy chúng tôi được bao lâu. thầy chưa hiểu nhiều về học trò, trò cũng chưa biết về tính tình của thầy thì chiến cuộc nổ ra.
     Sau vài tháng học chuyển tiếp cho hết chương trình lớp 9 và tình hình an ninh cũng được ổn định, chúng tôi tiếp tục đến trường. Bây giờ trường không còn mang tên là Trung Học Tổng Hợp nữa mà thay bằng cái tên ngắn gọn, lạ lẫm : Trường Cấp 3 BMT, Học sinh các trường trong tỉnh trước đây như La San, Bồ Đề, Hưng Đức, Tỉnh Hạt, Bán Công... đều tập trung về đây để tiếp tục học tập.
    Ngày ấy, ôm mộng văn chương, mơ ngành điêu khắc, hội họa nên tôi chọn ban B và được phân về lớp 10B2  với một số bạn bè cũ hồi học lớp 9 cùng một số bạn bè khác.Những thầy cô giáo còn ở lại cũng tiếp tục với công việc cùng với một số thầy cô giáo từ niền Bắc vào,thầy Nguyễn Diêu được phân công làm chủ nhiệm lớp tôi,Lớp 10B2 ngày ấy hầu hết là học sinh đã sinh sống tại miền Nam và một số học sinh người dân tộc cho nên thày trò không bị áp lực nhiều lắm trong việc học tập, sinh họat. Thầy Diêu và một số thầy khác thuê nhà ở gần trương cho nên sau mỗi buổi học, hay vào ngày nghỉ chúng tôi hay tụ tập ở nhà thầy chơi, Hay có những buổi chiều, thầy trò rủ nhau đi "dã ngọai" ở những buôn làng người dân tộc quanh thị xã. Cũng trong mùa hè năm đó, nhà trường tổ chức đi lao động (làm cỏ cà phê) tại đồn điền Tôn Thất Hối, việc này đối với chúng tôi như là chuyện được đi cấm trại dài ngày. Mỗi buổi chiều, ở đồn điền Tôn Thất Hối, sau giờ lao động, tắm rửa xong, thầy trò ngồi bên giòng suối nhỏ đàn ca hát xướng, bài hát thầy hay hát nhất (và cps lẽ là bài duy nhất thầy thuộc) là bài "Hai Phương Trời Cách Biệt" của Hoàng Trọng : Ánh nắng chiều sắp phai rồi, Hoàng hôn khơi thương nhớ xa xôi...Sau bữa cơm chiều, chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục cho đến đêm khuya, ngày đó không có kiểu họp hành rút kinh nghiệm lao động hoặc nếu có cũng làm qua loa, Tôi còn nhớ sau khi hòan thành công việc được giao,đêm cuối cùng, trước khi chia tay các lớp tổ chức một đêm lửa trại có thi thố văn nghệ văn gừng. Lớp tôi có xảy ra chuyện xích mích với lớp A2 chỉ vì lớp A2 mượn lớp tôi cây đàn Guitar và cố tình làm cho đứt dây rồi mới đem trả, lời qua tiếng lại, tuổi trẻ hung hăng hai bên chỉ muốn xông vào nhau mà đấm đá và chuyện ấy xảy ra thật, kết quả phần thắng nghiêng về lớp tôi. Lớp A2 cay cú lắm hẹn rằng ngày mai trên đường về sẽ trả thù, Đêm đó thầy Diêu "chỉ đạo" cho các nam sinh trong lớp mỗi đứa thủ sẵn một cây gậy để phòng thân, ngày mai trên đương về nếu có bị tấn công thì cũng có vũ khí mà tự vệ. Nhưng rất may chuyện đó đã không xảy ra nhưng cả tuần lễ sau, khi tất cả học sinh tập trung về trường để làm lễ bế giảng năm học mới có chuyện ẩu đả giữa một vài cá nhân của hai lớp. Chuyện này lâu rồi cũng chìm vào quên lãng, rất nhiều năm sau đó, bạn bè hai lớp gặp lại, nhắc lại chuyện cũ cũng chỉ nhìn nhau mà cười.
    Sau 3 tháng hèm thầy trò lại gặp nhau chuẩn bị cho năm học mới. Số học sinh của cả trương giờ đây đã suy giảm đi nhiều vì cuộc sống , vì hòan cảnh hoặc nhiều lý do khác nữa mà phải bỏ học giữa chừng, Lớp A1 A2 nhập chung thành một lớp, lớp tôi cũng thế. Cái lớp B2 của tôi một nửa nhập vào lớp B1 thành lớp 11B1, nửa còn lại nhập vào lớp B3 thành lớp 11B2 (lớp 11B2 có hơn nửa học sinh học Pháp văn)Mặc dù sát nhập hai lớp thành một nhưng lớp 11B1 vẫn không có học sinh nào từ miền Bắc học chung. Tinh hình học tập bây giờ cũng đã khác, đã vào quy củ, nề nếp hơn kể cả trong sinh họat. Thầy Diêu cũng không còn làm chủ nhiệm lớp tôi nữa mà thay vào đó là thầy Nguyễn Chi Phương (một thầy giáo dạy cấp 2 ở Nghệ An mới được chuyển vào) Thầy gíáo chủ nhiệm mới này làm chúng tôi "khốn khổ" trong 2 năm còn lại của bậc Trung học, cho nên chúng tôi thân thiết với thầy Diêu hơn cũng là điều dẽ hiểu, rất nhiều lần thầy Diêu và lũ học trò chúng tôi bị thầy chủ nhiệm phê bình là có "đầu óc tiểu tư sản" "hát nhạc vàng-truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" v.v và v.v...nhưng phê bình thì cứ phê bình, thây trò chúng tôi cứ thế mà sống theo ý thích của mình vì hầu hết chúng tôi đều có ý nghĩ rằng đi học để khỏi phải đi lao động ở địa phương, để khỏi phải đi vùng kinh tế mới, để có chỗ mà tụ tập, nhóm họp vui chơi khi tương lai của mình không biết sẽ đi về đâu, khi cả nước đang trong thời kỳ khốn khó nhất mà những ai đã sống trong thời gian ấy đều đã trải qua có lẽ không cần phải nhắc lại nữa.Giưa thầy Diêu và thầy chủ nhiệm đã có những lần xung đột với nhau vì nhiều lý do, vì quan điểm, cho nên đến cuối năm học, sau chuyến đi lao động khai hoang ở Buôn Trấp về, thầy Diêu nhận được lệnh thuyên chuyển về dạy tại huyện Dak Nông. Ngày nhận lệnh đổi đi, thầy Diêu rất buồn, thầy tâm sự với chúng tôi rằng có lẽ thầy bỏ việc để về Huế sinh sống cùng gia đình, nhưng về Huế là tạo thêm một gánh nặng cho gia đình khi bố mẹ thầy đã già yếu, nhưng thầy cũng sẽ đi thử một thời gian rồi sẽ tính,
    Rồi thầy Diêu chuyển đi DakNông bao giờ chúng tôi cũng chẳng ai hay vì thời gian đó vào mùa hèm cuộc sống khốn khó, ai cũng phải phụ giúp gia đình trong việc mưu sinh hoặc tham gia công tác tại địa phương. Thỉnh thỏang tôi cũng nhận được thư của thầy, trong thư thầy nói về cuộc sống vô cùng vất vả  tại nơi ở mới, ngòai giờ dạy chẳng biết làm gì cho hết thời gian và thầy đã tìm quên trong men rượu, mỗi ngày một chút, men rượu đã thực sự đi vào cuộc sông của thầy mãi cho đến lúc lùa đời.
    Khoảng 3 hoặc 4 năm sau thầy lại được thuyên chuyển về lại Trường Cấp 3 BMT và thầy có nhắn tôi đến, không thể tưởng tượng nổi chỗ ở của thầy là một túp lều dựng tạm bên lề đường Hùng Vương, mái lều là một tấm nilon, bốn chung quanh là những tấm phên tre, đồ đạc trong nhà hầu như chảng có gì ngọai cái ba lô đựng quần áo và chiếc giường cá nhân mượn của ai đó. Thầy nói rằng nhà trường có bố trí chỗ ở tập thể chung với các thầy miền Bắc nhưng thầy không chịu ở nên ra đây sống tạm cho tự do hơnm Tùe đó thỉnh thỏang vào mỗi buổi chiều tôi hay đến chơi với thầy, như đã nói ở trên men rượu đã trở thành "tri kỷ" với thầy rồi, cho nên mỗi lần gặp nhau thế nào thầy trò cũng nhâm nhi vài chén "nhìn cuộc đời qua ly rượu nhạt"
    Ở đầu đường Hùng Vương trước đây vốn là bến xe liên tỉnh, sau khi bến xe dời đi vẫn còn một số nhà ở lại buôn bán sinh sống. Thuở ấy quán nhậu không nhiều như bây giờ, việc mở quán nhậu hầu như bị cấm nên phải mở lén lút, chủ quán phải nhìn mặt thấy quen biết mới dám bán hàng. Ở khu vực bến xe cũ này có một ông già quen gọi là ông Tư cũng mở một quán nhậu "chui" như thế, khách hang thường xuyên của quán là 2 thầy trò tôi, quán chỉ bán một món duy nhất là món Ốc xào xả ớt. Vào một buổi chiều, trời mưa lất phất, 2 thầy trò chui vào quán nhâm nhi, ngòai trời mưa bụi bay, trong quán ấm áp theo từng ngụm rượu cay cùn gì thú bằng. Bất chợt tôi nhìn lên bức tường gạch loang lổ thấy từng đòan sên đang oằn mình bò lên (không phải là lòai ốc sên có vỏ cứng mà là lòai sên bằng ngón tay, mình dẹp màu nâu nhạt khi bò để lại một vệt nhớt) bất giác tôi tự hỏi có phải ông Tư đã bắt những con sên này để chế biến thành nón Ốc xào xả ớt cho chúng tôi thưởng thức ? từ liên tưởng đó bao nhiêu những gì có trong bụng "cho chó ăn chè" đua nhau tuôn ra hết, tôi có nói điều này với thầy Diêu và thầy cũng tỏ ý nghi ngờ điều đó và cũng từ đó về sau thầy trò tôi không bao giờ còn trở lại quán ông Tư nữa, và cũng từ đó về sau tôi cũng không bao giờ dám đụng đũa vào bất cứ món gì có liên quan đến Ốc, mỗi lần nhìn thấy món ốc - bất kỳ là ốc gì, hình ảnh những con sên oằn mình bò để lại phía sau nột vệt nhớt dài lại hiện về làm tôi muốn buồn nôn.
    Cuộc sống cứ thế trôi qua, thầy Diêu không còn ở tạm túp lều bên lề đường Hùng Vương nữa mà đã thuê được một căn nhà nhỏ ở cuối đường Lê Hồng Phong, cuộc sống tưởng thế là yên ổn nhưng cuộc đời chẳng bằng phẳng như ta muốn, ớ chẳng được bao lâu, vào ngày 28 tết chủ nhà tuyên bố không cho mướn nhà nữa, cận kề ngày xuân, xe cộ không còn để về Huế xum họp cùng gia đình, thầy đành ôm ba lô quay trở lại khu tập thể giáo viên trường cấp 3 để tá túc qua ngày xuân "u ám"
    Một thời gian dài-có lẽ rất dài tôi lập gia đình và vì cuộc sống nên ít có liên lạc với thầy. Ngày gặp lại thầy cũng đã lập gia đình, vợ thầy chân ướt chân ráo vào BMT chưa biết làm gì nên trải tấm nilon ra vỉa hè buôn bán lặt vặt, mỗi sáng thầy cô chở nhau trên chiếc xe đạp cũ với hàng hoá linh kỉnh ra chợ bày bánm dọn hàng xong thầy về đi dạy, trưa về nấu cơm mang ra rôì về tiếp tục dạy, chiều lại ra dọn hàng xong thầy cô chở nhau về, dần da thầy cô cũng sang được cái sạp trong chợ, thoát được cảnh tạm bợ trên vỉa hè. Rồi thầy cũng mua được căn nhà sàn bằng gỗ trên đường Hùng Vương, thỉnh thoảng tôi cũng hay đến. thầy trò cùng nhau ôn lại thời "bỉ cực đến hồi thái lai" Căn nhà sàn sau naỳ thầy phá bỏ để xây lại cho đàng hoàng hơn, ngày tân gia thầy mời lũ học trò cũ chúng tôi đến chung vui, ca hát đến tận khuya mới ra về. Và hàng năm cứ đến ngày 20/11 dăm ba đứa chúng tôi lại đén thăm thầy.
    Thời gian sai này thầy ngày càng chìm đắm vào men rượu nhiều hơn, hầu như ngày nào cũng uống, giờ nào cũng uống dù không nhiều, mỗi lần chỉ 1 đến 2 ly nhỏ. Thời gian này điện thoại di động cũng đã khá phổ biến cho nên mỗi chiều thầy hay "alô, alô lên thầy làm vài ly giải sầu" Tôi không thể nào quên được hình ảnh hai thầy trò với hai mươi ngàn đồng, ra hoa viên ngồi ngắm thiên hạ với xe cộ dập dìu trên đường, ngồi trên bãi cỏ với 1 xị rượu trắng với vài con cá khô...Nhìn thầy chỉ uống mà hầu như không ăn, có lần tôi bạo miệng "khuyên" thầy phải cố ăn để có sức khoẻ thì thầy "lên lớp" tôi rằng : mi lấy cớ gì mà khuyên tau... rồi thầy giận tôi, nhưng chỉ được vài hôm thôi lại alô, alô...
     Trước ngày 20/11 năm 2007 một số bạn bè chúng tôi có gặp nhau hẹn sẽ đến thăm thầy nhưng vì bận rộn với công việc chúng tôi đành lỡ hẹn và thời gian không chờ đợi, thầy đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh suy dinh dưỡng ở cái tuổi 56 vào ngày 22/11/2007, Đối với tôi, thầy Nguyễn Diêu không chỉ là một người thầy, một người anh mà tôi luôn kính trọng và yêu mến.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

♦ Bạn có thể gởi ý kiến của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách bấm xổ mũi tên bên khung NHẬN XÉT VỚI TƯ CÁCH rồi chọn Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL. Phần URL có thể để trống, chỉ cần điền tên bạn vô rồi bấm Tiếp tục là được. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem lại những gì đã viết trước khi gởi. Hoàn chỉnh rồi thì bấm vào Đăng nhận xét.